08:32 | 26/01/2022

Nguy cơ mai một nghề hương đen làng Chóa hơn trăm năm tuổi ở Bắc Ninh

VOV.VN - Bắc Ninh – Kinh Bắc nổi tiếng là đất trăm nghề, trong đó có nghề làm hương đen ở làng Chóa, xã Dũng Liệt (Yên Phong), thế nhưng làng hương có tuổi đời hơn trăm năm này đang dần có nguy cơ bị “xóa sổ”.

Cách trung tâm thành phố Bắc Ninh khoảng 20km, làng Chóa (xã Dũng Liệt, huyện Yên Phong) nổi tiếng với nghề làm hương đen truyền thống từ hơn 100 năm nay, nhưng đang dần có nguy cơ bị “xóa sổ” bởi còn rất ít người theo nghề cha ông để lại. Đa số lao động, thanh niên trong làng bỏ nghề để làm việc tại Khu Công nghiệp Yên Phong với hy vọng có nguồn thu nhập cao hơn.
Hương đen làng Chóa nổi tiếng khắp vùng bởi mùi hương từ tự nhiên, nhưng rất đặc biệt bởi nguyên liệu chính để làm nên những cây hương đen là nhựa trám, than hoa, nứa.
Bà Ngô Thị Bẩy làng Chóa, xã Dũng Liệt (huyện Yên Phong, Bắc Ninh) cho biết: “Để tạo nên những cây hương đạt chuẩn thì bước đầu tiên chọn lựa nguyên liệu phải cẩn thận, kĩ càng. Nhựa trám phải được lấy từ Cao Bằng, than hoa không được bị bẩn hay lẫn tạp chất. Đặc biệt, nứa phải được ngâm khoảng 3 tháng rồi mới được vót thành que hương và đem phơi khô dưới nắng”.
“Khâu trộn nguyên liệu cũng không kém phần quan trọng, công đoạn này quyết định một phần lớn việc tạo nên hương thơm khác biệt cho loại hương đen đặc trưng của làng Chóa. Theo đó, nhựa trám được đun sôi trộn cùng với than hoa từ cây gỗ bạch đàn đã được loại bỏ sạch tạp chất. Sau đó cho hỗn hợp nhựa trám với than hoa vào máy nghiền tạo độ mịn dẻo”- bà Bẩy chia sẻ.
Hương đen làng Chóa có 5 loại theo kích cỡ khác nhau: từ 30cm đến 1m2, giá thành giao động từ 25.000 – 300.000 nghìn đồng/100 cây. Thị trường tiêu thụ loại hương này nhiều nhất là Hà Nội, Hải Phòng, Tuyên Quang và các khu vực phía Nam…
Mùi thơm của hương đen khi đốt lên có mùi thơm đặc trưng của nhựa trám, khói rất nhiều nhưng không cay mắt, đen nhà. "Hương đen xếp trong nhà khoảng 7-10 ngày thì có thể sử dụng được. Điều đặc biệt là hương đen dù có bị thấm nước cũng vẫn cháy được"- anh Đào Sỹ Quân cho biết thêm.
Ông Đào Sỹ Oanh làng Chóa, xã Dũng Liệt (Yên Phong, Bắc Ninh) hơn 40 năm trong nghề cho biết, xưa kia chủ yếu là nghề trồng lúa nước, nghề làm hương đen chỉ là nghề phụ. “Bây giờ, xã hội phát triển nhu cầu tiêu thụ của người dân ngày một tăng lên, từ một năm chỉ làm vài vụ, hiện giờ gia đình tôi làm quanh năm mới đáp ứng đủ cho khách hàng”.
Ông Nguyễn Văn Truyền cho biết, trước kia khi bước chân vào làng Chóa đã cảm nhận mùi chám phảng phất xung quanh bầu không khí thân thương, nhưng giờ đây chỉ còn một vài hộ gia đình còn gắn bó với nghề làm hương đen truyền thống. “Bởi trào lưu người người, nhà nhà đi làm tại khu công nghiệp mong có thu nhập cao hơn. Chính vì vậy những người già ở trong làng vẫn miệt mài gắn bó với nghề hương đen truyền thống do ông cha ta để lại”- ông Truyền nói.
Que nứa được ngâm 3 tháng rồi bắt đầu vót thanh que để phục vụ sản xuất.
Hiện nay, đa số các gia đình đều chuyển sang làm hương đen theo hướng công nghiệp vừa cho sản lượng cao, mẫu mã lại đa dạng. “Tuy nhiên gia đình tôi vẫn quyết gắn bó với nghề se hương bằng tay, bởi vì nguyên liệu để se hương luôn phải mềm dẻo, mới mang lại độ mịn, đàn hồi. Đặc biệt, hương được làm từ máy công nghiệp khâu bảo quản không được cao hơn so với việc se bằng tay vì 2 độ kết hợp nguyên liệu se khác nhau”- bà Luyện thông tin.
Năm nay, dù ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 đến làng nghề là rất lớn, do nguyên liệu đầu vào đều tăng cao, song thị trường cuối năm lại có phần sối nổi và ấm lên, khiến cho sản phẩm bà con làm ra được tiêu thụ dễ dàng góp phần giúp người dân có thu nhập ổn định trong dịp Tết đang cận kề.
Theo ông Ngô Quang Thu, Chủ tịch UBND xã Dũng Liệt, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh: "Hàng năm cứ vào thời điểm 3 tháng cuối năm thì bà con làng Chóa lại tập trung thời gian sản xuất sản phẩm hương đen. Hiện chỉ còn một số hộ gia đình làm hương đen, các gia đình không còn đồng loạt làm hương như ngày xưa nữa. Những thanh niên, người lao động có sức khỏe đã đi làm tại các khu công nghiệp, chỉ còn một số người có tuổi, sức lao động kém thì ở nhà làm hương theo nghề truyền thống. UBND xã Dũng Liệt cũng tạo điều kiện tốt nhất cho bà con sản xuất hương đen, cung cấp ra thị trường để duy trì làng nghề, tránh bị mai một nghề truyền thống có từ hơn trăm năm này"./.

Theo: Tiến Dũng - Văn Giang VOV.VN

Đường dẫn bài viết: https://yenbaitv.org.vn/nguy-co-mai-mot-nghe-huong-den-lang-choa-hon-tram-nam-tuo-i-o-bac-ninh-10369.html

In bài viết